Niềng răng là phương pháp giúp nắn chỉnh các răng mọc sai lệch về đúng vị trí trên cung hàm. Hiện nay, có nhiều phương pháp niềng răng với nhiều ưu nhược điểm và chi phí điều trị khác nhau. Sự đa dạng vô tình khiến người sử dụng cảm thấy hoang mang và không biết làm sao để có thể chọn được một phương pháp phù hợp. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu thêm về các loại niềng răng hiện nay.
Mục Lục
1. Niềng răng mắc cài
Niềng răng mắc cài là công nghệ đầu trong lĩnh vực chỉnh nha thẩm mỹ với việc sử dụng hệ thống khí cụ cố định trên răng để đưa răng về đúng vị trí. Sau đây là những loại niềng răng mắc cài:
Niềng răng mắc cài kim loại
Niềng răng mắc cài kim loại là gì? Đây là phương pháp sử dụng hệ thống khí cụ mắc cài, dây cung và dây thun được cố định trên bề mặt răng, từ đó tạo ra lực kéo để dịch chuyển các răng về đúng vị trí trên cung hàm.
Ưu điểm
Chi phí thấp nhất trong các hình thức chỉnh nha
Mắc cài được thiết kế mảnh nhỏ, bền bỉ để chịu lực kéo tác động lên răng, tránh được tình trạng vỡ mắc cài
Hiệu quả cao, phù hợp với nhiều tình trạng răng sai lệch, rút ngắn thời gian điều trị so với những phương pháp khác.
Nhược điểm
Có một số trường hợp bị dị ứng với kim loại
Tính thẩm mỹ kém, khi cười sẽ bị lộ khí cụ gây mất tự tin trong giao tiếp
Khí cụ ma sát với mô mềm dễ gây tổn thương môi, má và nướu.
Niềng răng mắc cài sứ
Niềng răng mắc cài sứ là gì? Tương tự như ở niềng răng mắc cài kim loại, phương pháp này cũng sử dụng những khí cụ để gắn cố định lên răng, nhưng có một điểm khác biệt là mắc cài được làm bằng sứ, có tính thẩm mỹ cao.
Ưu điểm
Tính thẩm mỹ cao, màu sắc tương đồng với màu răng thật, giúp khách hàng cảm thấy tự tin khi giao tiếp
Các gờ cạnh mắc cài được mài nhẵn đảm bảo sự thoải mái khi sử dụng, hạn chế ma sát với các mô mềm trong khoang miệng
An toàn với cơ thể, hoàn toàn không gây kích ứng
Nhược điểm
Chất liệu sứ dễ vỡ, thiết kế phức tạp, đối với những ai thường xuyên tập luyện thể thao không nên sử dụng loại mắc cài này.
Nếu không chăm sóc kỹ lưỡng, mắc cài sứ dễ bị đổi màu, ố vàng gây mất thẩm mỹ.
* Các loại dây trong niềng răng mắc cài:
Dây cung là một khí cụ quan trọng đối với những phương pháp niềng răng mắc cài. Chúng có cấu tạo dạng sợi dài và mảnh, được gắn cố định trên mắc cài bằng dây thun. Dây cung giúp tạo lực kéo điều chỉnh răng di chuyển. Sau đây là 2 loại dây cung phổ biến:
Dây cung thép không gỉ:
Dây cung chỉnh nha thép không gỉ được đưa vào sử dụng từ năm 1929. Loại dây cung này có chi phí thấp, độ bền, độ dẻo cao và có khả năng chống ăn mòn. Các hợp kim thép không gỉ thuộc loại austenitic “18-8” có chứa Chromium (17 – 25%) và Niken (8 – 25%) và Carbon (1 – 2%).
Dây cung Niken – Titan (Niti):
Vào năm 1960, dây cung Niken – Titan được William F.Buehler nghiên cứu và phát triển. Đây là loại hợp kim được sử dụng phổ biến nhất trong hầu hết các loại niềng răng mắc cài. Với thành phần bao gồm 55% Niken và 45% Titanium, có độ cứng thấp, siêu dẻo, độ đàn hồi cao.
Niềng răng mắc cài pha lê
Đây là phương pháp cải tiến từ niềng răng mắc cài kim loại, với hệ thống mắc cài được thiết kế từ pha lê trong suốt giúp người đối diện khó nhận ra bạn đang niềng răng.
Ưu điểm
Tính thẩm mỹ cao, với thiết kế mắc cài có màu sắc trong suốt nên bạn không cần quá lo lắng sẽ lộ rõ như mắc cài kim loại
Rất an toàn với cơ thể: Chất liệu pha lê thường rất ít gây ra kích ứng với cơ thể.
Hiệu quả cao, có thể khắc phục hoàn toàn những tình trạng răng sai lệch từ trung bình đến phức tạp.
Nhược điểm
Chất liệu pha lê rất dễ vỡ: vì pha lê không thể cứng chắc như kim loại được. Bạn cần đặc biệt lưu ý để tránh những tác động mạnh từ bên ngoài gây vỡ mắc cài.
Mắc cài pha lê dễ bị nhiễm màu: mắc cài và dây thun niềng răng có màu trắng trong, nếu vệ sinh hàng ngày không cẩn thận rất dễ khiến khí cụ bị đổi màu.
Niềng răng mắc cài mặt trong
Đây là phương pháp chỉnh nha mà các khí cụ được gắn ở phía mặt trong của răng, vừa đảm bảo giúp khắc phục những tình trạng răng hô, móm, răng lệch lạc mà còn có thể giấu mắc cài vào trong.
Đối với những ai yêu cầu cao về tính thẩm mỹ có thể áp dụng phương pháp này. Ngoài ra, một số trường hợp không thể áp dụng niềng răng mắc cài kim loại mặt trong như: bị bệnh lý về máu, máu khó đông, bọc răng sứ quá nhiều,…
Ưu điểm:
Tối ưu tính thẩm mỹ, những người xung quanh khó nhận ra bạn đang niềng răng do mắc cài được giấu vào trong.
Hạn chế nguy cơ phát sinh những bệnh lý về răng miệng: sau khi tháo mắc cài sẽ không ảnh hưởng đến mặt ngoài.
Không gây tổn thương môi má: nếu niềng răng mắc cài phía ngoài có thể khiến bạn dễ bị tổn thương môi mềm khi xảy ra va đập, thì khi niềng răng mắc cài mặt trong có thể tránh được hiện tượng này.
Nhược điểm:
Thời gian chỉnh nha thường lâu hơn so với phương pháp gắn mắc cài bên ngoài
Thao tác gắn mắc cài khó hơn những hình thức khác
Gây khó khăn khi vệ sinh răng miệng hàng ngày
Niềng răng mắc cài tự buộc
Niềng răng mắc cài tự buộc là gì? Cải tiến từ niềng răng truyền thống, phương pháp này tích hợp thêm mắc cài được thiết kế có hệ thống nắp trượt hoặc cánh kim loại có nắp đậy để cố định dây cung. Sau đó dây sẽ di chuyển tự do trong phần rãnh mắc cài.
Ưu điểm của niềng răng mắc cài tự buộc so với niềng răng mắc cài truyền thống:
Có thể hạn chế tình trạng bung, tuột mắc cài do hệ thống mắc cài có khóa cố định dây cung chắc chắn
Giúp giảm bớt lực ma sát với răng, thời gian chỉnh răng sẽ được giảm xuống
Với thiết kế với các chốt có thể đóng mở linh động giúp cố định dây cung trong rãnh mắc cài tạo lực tác động đều đặn, không bị ảnh hưởng bởi độ co giãn của dây thun như niềng răng mắc cài truyền thống.
Mắc cài tự buộc có phần mặt nhỏ và tròn nên việc vệ sinh răng miệng cũng dễ dàng hơn.
Dựa vào nguyên liệu thiết kế mắc cài mà phương pháp này được chia thành 2 loại:
- Niềng răng mắc cài kim loại tự buộc: Với hệ thống mắc cài được thiết kế tinh xảo giúp giảm lực ma sát của dây cung trong khe của mắc cài, giảm cảm giác đau đớn, khó chịu khi sử dụng. Tuy nhiên, về tính thẩm mỹ của niềng răng mắc cài kim loại lại không được đánh giá cao.
- Niềng răng mắc cài sứ tự buộc: Có tính thẩm mỹ cao nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi thức ăn hàng ngày dẫn đến xỉn màu. Mắc cài sứ tự buộc được làm từ hợp kim sứ và vô cơ nên hoàn toàn lành tính. Nhưng so với mắc cài kim loại thì mắc cài sứ tự động có chi phí cao hơn.
* Quy trình niềng răng mắc cài
Để có được kết quả chỉnh nha như mong đợi, quá trình chỉnh nha phải đảm bảo những giai đoạn tiêu chuẩn sau:
Bước 1: Khám, tư vấn và chụp X quang răng
Bước thăm khám ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp bác sĩ đánh giá chính xác và đưa ra chẩn đoán chính xác. Vì vậy, bác sĩ cần kiểm tra trực tiếp, chụp film x-quang răng của bạn.
Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho khách hàng tình trạng tổng quát hiện tại cũng như các loại mắc cài phù hợp nhất để bạn có thể lựa chọn phương pháp phù hợp.
Bước 2: Lên phác đồ điều trị và lấy dấu răng
Khi bệnh nhân đồng ý niềng răng, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị và dịch chuyển răng cho bệnh nhân. Lúc này, bạn cũng có thể biết được mình cần nhổ răng, hay can thiệp thực hiện thủ thuật nào hay không.
Bước 3: Thiết kế mắc cài
Sau khi tiến hành lấy dấu, mẫu hàm sẽ chuyển đến bộ phận chuyên thiết kế mắc cài và thiết kế sao cho phù hợp nhất với từng bệnh nhân. Giai đoạn cần tốn khoảng 1 tuần.
Bước 4: Tiến hành gắn mắc cài và tái khám định kỳ
Sau đó, nha khoa sẽ hẹn bạn đến để gắn mắc cài 2 hàm. Sau đó, bạn sẽ cần đến nha khoa tái khám theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tiếp tục thực hiện kế hoạch. Thông thường mỗi tháng/lần để đảm bảo theo dõi sát sao quá trình răng dịch chuyển.
Bước 5: Tháo niềng và đeo hàm duy trì
Khi răng đã di chuyển về đúng vị trí, nha sẽ sẽ chỉ định tháo mắc cài. Nhưng để răng được ổn định của như giữ trạng thái răng sau khi niềng, bạn cần đeo hàm duy trì thêm một thời gian nữa.
Niềng răng mắc cài giá bao nhiêu?
Chi phí niềng răng mắc cài còn tùy thuộc vào từng tình trạng răng sai lệch ít hay nhiều, tay nghề của bác sĩ thực hiện và phương pháp thực hiện chỉnh nha:
Đối với phương pháp niềng răng mắc cài kim loại thường sẽ dao động từ 35 – 40 triệu/ca.
Chi phí thực hiện niềng răng mắc cài sứ vào khoảng 45- 50 triệu/ca.
Chi phí niềng răng mắc cài tự đóng (sứ và kim loại) dao động từ 40 – 55 triệu/ca.
Niềng răng mắc cài mặt trong thường có chi phí cao hơn những phương pháp khác, có thể dao động từ 80 – 100 triệu/ca.
Niềng răng trong suốt
Niềng răng không mắc cài (niềng răng trong suốt) là phương pháp chỉnh nha hiện đại nhất hiện nay. Bằng việc sử dụng hệ thống những khay niềng trong suốt có kích thước khác nhau tạo lực đẩy các răng về đúng vị trí mong muốn, phương pháp này được đánh giá cao về tính thẩm mỹ.
Giữa hơn 27 thương hiệu nổi tiếng, có 2 loại phổ biến là Invisalign và Leetray.
Ưu và nhược điểm của niềng răng trong suốt
Tương tự như những phương pháp chỉnh nha khác, niềng răng không mắc cài cũng sở hữu những ưu nhược điểm khác nhau:
Ưu điểm
– Tính thẩm mỹ cao nhất trong các loại niềng răng: với khay niềng thiết kế trong suốt ôm sát form răng, giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp.
– Không sử dụng mắc cài nên tránh được tình trạng vướng víu, ma sát gây tổn thương mô mềm. Đồng thời tránh được những phiền toái khi bung, tuột mắc cài
– Khay niềng trong suốt dễ sử dụng, có thể tháo lắp khi ăn uống, dễ dàng vệ sinh hàng ngày
– Tiết kiệm thời gian đến nha khoa tái khám vì bạn có thể được hướng dẫn thay khay và theo dõi tại nhà
– Nguyên liệu vô cùng an toàn, không gây ra bất kỳ kích ứng nào
Nhược điểm
– Chi phí cao nhất trong các loại niềng răng nên không phải ai cũng có đủ khả năng để trải nghiệm
– Đòi hỏi sự chăm sóc hàng ngày: tháo khay niềng trước khi ăn và vệ sinh kỹ lưỡng mỗi ngày.
– Vì có thể tháo lắp nên dễ bị quên, mất khay niềng gây ảnh hưởng đến quá trình chỉnh nha.
Quy trình niềng răng trong suốt
Công nghệ nha khoa hiện đại giúp quá trình niềng răng không mắc cài được hỗ trợ tối ưu hơn về thời gian và công sức thực hiện. Quá trình niềng răng không mắc cài bao gồm những giai đoạn sau:
Tư vấn, thăm khám: Bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm ban đầu, chụp phim toàn cảnh, phim kỹ thuật số để hiểu rõ về tương quan xương hàm, tình trạng sai khớp cắn để đánh giá tình trạng, nguyên nhân và tư vấn phương hướng điều trị cụ thể.
Lên kế hoạch điều trị: Vì chỉnh nha là quá trình điều trị lâu dài nên việc lên kế hoạch chi tiết có thể giúp bạn hình dung trước kết quả, biết có cần can thiệp nhổ răng, dùng khí cụ hỗ trợ gì hay không,… Từ đó có thể chuẩn bị tình thần và kinh tế. Nếu bạn đồng ý với kế hoạch mà bác sĩ đề ra, giữa nha khoa và bạn sẽ ký một bản hợp đồng chỉnh nha trước khi bắt đầu kế hoạch.
Sản xuất khay: Khi bệnh nhân đã chốt kế hoạch, bác sĩ sẽ gửi yêu cầu, tư liệu và mẫu hàm cho nhà sản xuất để chế tác khay niềng cho bạn. Tùy vào từng thương hiệu niềng răng không mắc cài mà có thể được sản xuất hàng loạt hay không và thời gian sản xuất sẽ khác nhau.
Tiến hành điều trị: Sau khi khay niềng được sản xuất xong, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân đến đến để giao khay niềng và dặn dò những vấn đề cần thiết trong quá trình sử dụng. Tiếp sau đó, bạn cần đến nha khoa tái khám định kỳ theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tháo niềng và đeo hàm duy trì: Khi kết thúc kế hoạch và răng đã cân đối như ý muốn, bác sĩ sẽ chỉ định tháo khay niềng. Thay vào đó, bạn sẽ đeo hàm duy trì để giữ trạng thái sau khi chỉnh nha.
Niềng răng trong suốt giá bao nhiêu?
Cùng với những ưu điểm vượt trội về tính thẩm mỹ và sự tiện lợi khi sử dụng, công nghệ niềng răng không mắc cài đòi hỏi ở người thực hiện phải có trình độ chuyên môn cao và hệ thống trang thiết bị nha khoa hiện đại. Tất cả trở thành lý do khiến phương pháp này thường có chi phí cao hơn những loại niềng răng răng khác. Hiện nay, chi phí niềng răng không mắc cài có thể dao động từ 80 – 120 triệu/ca, tùy vào từng trường hợp của mỗi người.
Vừa rồi là những thông tin phân tích về các loại niềng răng và giá các loại niềng răng hiện nay. Tuy đều có tác dụng nắn chỉnh các răng về đúng vị trí trên cung hàm, nhưng mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng để có thể phù hợp với tình trạng của mỗi người. Cho nên, để có thể tìm được phương pháp điều trị phù hợp, bạn cần sự thăm khám trực tiếp và tư vấn của bác sĩ chuyên môn.
>>> Khi chỉnh nha, đối với từng trường hợp tùy vào tình trạng, nhu cầu của mỗi người sẽ cần đến những loại khí cụ khác nhau. Bạn có thể tham khảo về các khí cụ này tại: Tổng hợp các loại khí cụ chỉnh nha